4 cách học không chán để bạn giữ lửa trong học tập

Phải làm sao khi chúng ta cảm thấy chán nản trong việc học? Cảm hứng hay động lực học tập có thể đột ngột rời xa bạn vào một thời kì nào đó. Vậy làm sao để học tập khi bạn không hề có động lực? Hãy cùng tham khảo và vận dụng thử những bước sau đây để nắm được cách học không chán và giữ lửa trong học tập

4 cách học không chán để bạn giữ lửa trong học tập

#1. Thấu hiểu cơ chế não bộ hoạt động

Không ai có thể hiểu rõ về bạn ngoại trừ chính bản thân bạn. Hãy thử tìm hiểu về bản thân mình một cách sâu sắc nhất, cụ thể như những thói quen trong lúc học tập. Khung giờ nào trong ngày sẽ làm bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và dễ dàng tiếp thu kiến thức mới. Đồng thời hãy tìm ra cho chính mình khung giờ nào bạn sẽ có trạng thái tinh thần ngược lại: dễ thấy nản, mệt mỏi và chỉ muốn nghỉ ngơi. Cuối cùng, hãy xác định rằng mình có dễ bị ảnh hưởng bởi những vật tác động xung quanh không? 

Ví dụ:

Tập ghi lại những việc diễn ra trong ngày như một dạng nhật ký, lồng ghép thêm vào cảm nhận cá nhân khi chúng ta thực hiện những công việc trên. Điều này sẽ giúp chúng ta tìm ra được cách học không chán vì đã biết cách phân bổ lại các công việc theo từng khung giờ thích hợp trong ngày, thấu hiểu được bản thân và tìm ra cách cải thiện lại tâm trạng và trạng thái học tập. Không cần thiết phải miễn cưỡng học những môn học mình không thích trong lúc bản thân đang uể oải. Thay vào đó, lựa chọn môn học mà mình có hứng thú sẽ dễ dàng tạo ra động lực để học tập hơn

#2: Rèn luyện tư duy – thái độ (Growth Mindset)

Mindset luôn là yếu tố quan trọng để thúc đẩy các hoạt động của chúng ta, hiểu đơn giản mindset là cách mà bạn nhìn nhận chính bản thân và thế giới xung quanh. “Cách bạn suy nghĩ tạo nên cách bạn hành động”.  Vì vậy, một mẹo nhỏ là bạn hãy sử dụng sức mạnh từ bên trong để phù phép bản thân. Bạn có thể tập thay đổi những từ ngữ tiêu cực trong đầu bạn ngay lúc đó thành những từ tích cực hơn. Ví dụ như: 

You can’t do it -> You can do it

#3: Thay đổi thói quen “Để mai tính”

Rất nhiều người thường mắc phải thói quen “để mai tính”. Điều khó khăn nhất khi bạn học tập, làm việc với tâm trạng chán nản không phải là làm sao để thực hiện nó tốt mà là: bằng cách nào mà bạn bắt tay vào làm công việc đó ngay lập tức thay vì trì hoãn. Thói quen trì hoãn dễ làm chúng ta rơi vào trạng thái ù lì, chán nản và có xu hướng muốn vứt bỏ công việc mình cần làm. Một số tip để khắc phục thói quen trên:

3.1. Chia các mục tiêu thành từng phần nhỏ để bạn có thể bắt đầu thực hiện được

Trong lúc mà chúng ta còn đang mang tâm trạng chán nản thì làm điều gì đó lớn lao là rất khó. Thay vào đó, chúng ta sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt nhất và thực hiện nó một cách liên tục. Hoàn thành từng mục tiêu sẽ giúp bạn cảm thấy sự hứng thú được cải thiện rất nhiều đấy!

Bí Quyết Học Tập xin được đưa ra ví dụ để bạn dễ hiểu hơn, bạn có thể bắt đầu từ việc đặt mục tiêu của mình là: Học một đoạn hay một trang sách trong một ngày  

Một khi đã bước qua được rào cản “để mai tính”, bạn đã có thể dễ dàng bắt tay vào công việc, trạng thái tập trung vào công việc của bạn sẽ được bộ não khơi gợi một cách tự nhiên. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã từ từ tiến gần hơn đến mục tiêu hoàn thành công việc.

3.2. Bắt đầu xây dựng cảm hứng học tập từ những việc đơn giản

Chúng ta thường sẽ dễ sinh ra cảm giác chán nản đối với những môn học không cho chúng ta kết quả như mong đợi. Để thay đổi điều đó, bạn hãy bắt đầu cách học không chán bằng việc lựa chọn những công việc đơn giản mà bạn chắc chắn có thể thành công.

Một ví dụ đơn giản, với những ngày bạn cảm thấy cảm hứng học tiếng Anh bị giảm đi, bạn nên bắt đầu từ những việc thú vị như: xem phim hài bằng tiếng Anh, nghe nhạc, podcast bằng tiếng Anh. Sau khi khơi gợi được hứng thú việc học từ vựng, ngữ pháp môn tiếng Anh sẽ chẳng hề khó khăn như bạn nghĩ.

3.3. Phối hợp học tập và nghỉ ngơi xen kẽ

Chúng ta có thể dễ dàng dành hàng giờ đồng hồ cho các hoạt động giải trí như lướt Facebook, xem Youtube, chat với bạn bè nhưng thật khó khăn để bạn có thể ngồi vào bàn học, đọc sách và ghi chép trong vòng 2 – 3 tiếng. Chính vì thế, bạn hãy phối hợp học tập trong vòng 30 phút đến 1 tiếng rồi nghỉ xả hơi từ 5-10 phút.

3.4. Hoạt động

Có rất nhiều nhà khoa học đã chứng minh rằng khi hoạt động cơ thể bạn sẽ tiết ra các chất như: Oxytocin, Endorphin, Adrenaline, Serotonin. Những chất này sẽ tạo cho bạn những cảm xúc vui vẻ và thoải mái. Vì vậy, vận động nhẹ hay tập thể dục có thể trở thành một liều thuốc tốt giúp bạn xây dựng lại trạng thái tích cực để bắt tay vào công việc.

#4: Tự tạo niềm vui trong học tập – cách học không chán hiệu quả

Chọn cho mình các phần thưởng.

Phần thưởng sẽ là chất xúc tác khiến bạn hào hứng khi hoàn thành nhiệm vụ học tập. Hãy tự thưởng cho bản thân một ly trà sữa hay món đồ nào mà bạn đã mong muốn rất lâu để khen thưởng cho sự nỗ lực của bản thân trong thời gian vừa qua.

Đa dạng hóa cách thức học.

Đôi lúc việc học gây ra cảm giác chán nản vì chúng ta cứ lặp đi lặp lại một cách thức. Hiện tại đã có rất nhiều cách thức để khiến việc học tập trở nên thú vị hơn mà bạn có thể tham khảo:

  • Nghe các bài giảng online thay vì đọc sách.
  • Làm thêm các dạng bài tập thay vì chỉ học lý thuyết
  • Thay đổi cách ghi chép thay vì viết tay sang mindmap, đồ thị…
  • Học tập và thảo luận vấn đề với nhóm bạn thay vì chỉ học một mình.

Ngoài những cách mà Bí Quyết Học Tập đã nhắc tới, các bạn còn có thể sáng tạo ra những cách thức phù hợp hơn với bản thân. Học tập là cả một quá trình dài hạn và cần sự nỗ lực cũng như kiên trì. Đừng vội bỏ cuộc từ những cảm giác chán nản nhất thời mà hãy tìm cách để vượt qua nó nhé!